8 thg 7, 2008

Phỏng vấn nhà báo Mỹ

PTP đã giúp chỉnh sửa để có thể post bài này. Không giỏi IT nên khổ thế đấy. Thanks, TP.
TIẾP TỤC CẢNH TỈNH NGƯỜI MỸ VỀ CHẤT ĐỘC DA CAM
Nhà báo Nadya Williams là điều phối viên của các tổ chức: Global Exchange (một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền và hòa bình), Veterans for Peace (Cựu chiến binh vì hòa bình) và Vietnam Agent Orange Relief and Responsibility Campaign (Phong trào Vận động trách nhiệm và cứu trợ nạn nhân da cam - VAORRC).
Nhân chuyến công tác qua Việt Nam vừa qua với tư cách là đại diện của Global Exchange , bà đã trả lời phỏng vấn của Tạp chí Việt- Mỹ.
(Mời bạn xem thêm entry “Tôi học và làm tiếng Anh”: http://360.yahoo.com/hien_khds)
Bà đã đến Việt Nam bao nhiêu lần? Mục đích chuyến đi lần này của bà?
Lần đầu tôi đến Việt Nam là vào tháng 2 năm 2003, trong 3 tuần, do tổ chức Global Exchange cử đi.
Chuyến đi lần thứ hai này đặc biệt dành cho việc quan hệ với các tổ chức và cá nhân liên quan đến vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)- cả người Việt Nam và người nước ngoài. Chuyến đi này kéo dài 3 tháng, từ 15 tháng Giêng đến 17 tháng 4 năm 2008.
Bà đã đến những nơi nào, gặp gỡ những ai?
Trong 3 tháng ở Việt Nam lần này, chủ yếu tôi làm việc ở Hà Nội, nhưng cũng đã đến cả TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Ở Hà Nội, tôi đã gặp đại diện của các tổ chức VVAF (Vietnam Veterans of America Foundation); VVMF (Vietnam Veterans Memorial Fund); and VAORRC (Vietnam Agent Orange Relief and Responsibility Campaign - có trụ sở ở New York City).
Tháng 2, tôi dự họp báo với nhóm đối thoại về CĐDC (gồm đại diện Quỹ Ford và một số nhóm khác của Hoa Kỳ và Việt Nam), gặp lãnh đạo Hội nạn nhân chất độc da cam VN (VAVA), gặp luật gia và nhà khoa học Việt kiều Pháp.
Ngày 22/2, khi vụ kiện của nạn nhân CĐDC bị phía Mỹ bác bỏ, tôi đã viết tuyên bố phản đối quyết định đó của Tòa án Hoa Kỳ, bản tuyên bố đó được ba người đại diện của Global Exchange ký, được phổ biến ở VN, được dịch ra tiếng Pháp để phân phát cho những nhóm tài trợ cho các nạn nhân CĐDC ở đây.
Tháng 3, tôi gặp Masako Sakata- nhà làm phim Nhật Bản, người đã làm một bộ phim quan trọng về nạn nhân CĐDC; gặp đại diện của Hội Việt- Mỹ (ông Hoàng Công Thúy, ông Bùi Văn Nghị, bà Nguyễn Mỹ Giang); gặp các nhà báo của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị VN (PV của Website của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Báo Thời Đại- cô Thu Ngoan, Tạp chí Việt- Mỹ- bà Trần Thị Thu Hiên); dự kỷ niệm 10 năm thành lập Làng Hữu nghị dành cho nạn nhân CĐDC, được sáng lập bởi George Mizo- một cựu binh Mỹ; Tôi cũng đã gặp những người tài trợ cho Làng Hữu nghị này như Becky Leuning, Mike Cull, Suel Jones…
Ở TP HCM và Đà Nẵng, tôi đã tiếp xúc với trung tâm trẻ em khuyết tật, với các nạn nhân CĐDC…
Những đổi thay ở VN mà bà cảm nhận được trong chuyến đi này: về đất nước, về con người...? Ấn tượng của bà qua những cuộc gặp ở VN, đặc biệt đối với các nạn nhân chất độc da cam?
Việt Nam đã đạt được những sự thay đổi tích cực về kinh tế so với 5 năm trước, khi tôi lần đầu đến đây. Tiến bộ kinh tế của các bạn thực sự làm người ta sửng sốt, nhất là lại đạt được sau cuộc chiến tranh và sự cấm vận của Mỹ trong 20 năm trời. Tỉ lệ nghèo đói của các bạn thấp so với Cămpuchia, Lào và nhiều nước khác thuộc “Thế giới thứ ba” là điều thật đáng khâm phục.
Việc nhân dân, chính phủ và các công ty Hoa Kỳ chỉ mới làm được chút đỉnh để đền bù cho sự tàn phá khủng khiếp do chiến tranh gây ra, đặc biệt cho các nạn nhân chất độc da cam, là một sự thất vọng lớn.
Nhiều người nước ngoài đến từ các nước phát triển không vui khi thấy quá trình “hiện đại hóa” và “toàn cầu hóa” ở các nước đang phát triển. Họ cũng nói với tôi như thế về Việt Nam.
Tôi nghĩ cần có một sự cân bằng, và những điều tốt đẹp của phát triển cần được các xã hội khác chấp nhận, nhưng phải chú ý không để cho những mặt tiêu cực của phương Tây xâm nhập và thay thế văn hóa của các bạn.
Điều gì đã khiến bà tham gia phong trào phản đối chiến tranh VN từ khi còn là sinh viên từ hơn 40 năm trước? Xin bà kể lại đôi nét về những hoạt động đó?
Từ cuối những năm 1950, đầu những năm 60, tôi đã luôn quan tâm đến mục đích của chính phủ Mỹ tài trợ cho chính quyền bù nhìn Nam VN và tôi sẵn sàng ra chiến trận nếu cần. Cha mẹ tôi là những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội và tham gia Đảng Cộng sản từ giữa những năm 1930 ở Berkeley; và họ luôn làm cho tôi quan tâm đến những gì thực sự đang xảy ra trên thế giới.
Năm 1963, khi tôi mới là cô sinh viên 19 tuổi của Trường Đại học Tổng hợp California ở Berkeley, bà Ngô Đình Nhu (tức Trần Lệ Xuân- vợ Ngô Đình Nhu) của chính quyền Ngô Đình Diệm đến phát biểu ở sân trường chúng tôi. Sinh viên chúng tôi đã bao vây xe của bà Nhu, đập vào cửa kính xe để nói rằng bà ấy KHÔNG được đón chào. Đó là vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9 năm 1963, ngay trước thời gian mà hai anh em Diệm và Nhu bị ám sát vào đầu tháng 11. Tổng thống Kennedy bị ám sát cũng trong tháng đó, sau đó vài tuần.
Qua những lần đến VN, và đặc biệt qua chyến đi này, bà nhìn nhận thế nào về triển vọng của mối quan hệ Việt- Mỹ? Bà mong muốn gì ở mối quan hệ đó?
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã cảnh báo về một sự “độc tài mới của chủ nghĩa tư bản toàn cầu”. Tôi cho rằng ông ta nói đúng.
Tôi nghĩ dễ dàng nhận thấy rằng quan hệ Việt- Mỹ sẽ tăng cường về mặt kinh tế.
Nhưng tôi mong Việt Nam sẽ giữ được chủ quyền của mình và tự bảo vệ được mình khỏi sự “Toàn cầu hóa” mang tính thống trị của phương Tây.
Nếu Việt Nam có thể tiếp tục giữ mối quan hệ chặt chẽ trước đây với các nước thuộc Phong trào Không liên kết, và đứng về phía đối lập với sự “độc tài mới của chủ nghĩa tư bản toàn cầu” thì sẽ tốt cho nhân dân và môi trường của các bạn.
Global Exchange sẽ làm những gì để phát triển quan hệ VM?
Global Exchange sẽ tiếp tục ủng hộ sự cân bằng giữa phát triển và mở rộng mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, nhưng đồng thời vẫn gây sức ép để ủng hộ vụ kiện của Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA). Đó là việc nên làm và là trách nhiệm của phía Mỹ phải bồi thường cho các nạn nhân của tội ác chiến tranh hóa học của Mỹ.
Bà có ý định sẽ thường xuyên quay lại VN không?
Có khả năng tôi sẽ trở lại vào tháng 10/2009, khi Hà Nội kỷ niệm 1000 năm.
Tôi chắc chắn còn quay lại Việt Nam, nhưng công việc chính của tôi là ở Hoa Kỳ - giáo dục và thúc giục người Mỹ về tình trạng CĐDC và vụ kiện.
Công việc này sẽ được tiến hành trên nhiều mặt trận khác nhau: tuyên truyền trước các đám đông và đón tiếp các đoàn sắp tới của VAVA, làm việc với Quốc hội Hoa Kỳ để tiến hành các điều trần về chất độc da cam/dioxin, liên lạc với các cựu binh Mỹ (kể cả cựu binh Nam Triều Tiên, Austraylia và New Zealand) về vấn đề CĐDC, và truyền thông vươn xa để nói cho người Mỹ biết rằng chất độc này ngày nay vẫn đang tiếp tục gây hại cho con trẻ sau khi ngừng phun đã 37 năm!
THU HIÊN thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét