1 thg 11, 2007

Liên Xô trong lòng tôi

Với cô giáo Liên Xô đầu tiên
Thời chúng tôi còn trẻ, khái niệm về nước Nga trùng với khái niệm Liên Xô.
Liên Xô là bạn, Liên Xô là anh. Liên Xô là nơi có sự sung sướng. Liên Xô là nơi có sự văn minh. Liên Xô là niềm mơ ước của rất nhiều người. Nói theo cách bây giờ thì Liên Xô từng là một thương hiệu lớn. Chả thế mà người dân VN từ già đến trẻ, từ giàu đến nghèo ai ai cũng biết Liên Xô. Đến nỗi cứ thấy người to cao, mũi cao, da trắng, tóc màu là trẻ con từ thành thị đến nông thôn đều gọi “Liên Xô, Liên Xô”; bất kể đó là người nước Âu Mỹ nào.
Với tôi, Liên Xô là nơi tuổi trẻ của tôi ở đó, là nơi bắt đầu tình yêu, là nơi góp phần đáng kể nuôi dạy tôi lớn thành NGƯỜI, nơi cho tôi một thứ tiếng thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ- tiếng Nga- mà nhờ đó tôi được mở mang trí tuệ, nhờ đó tôi có được công cụ để kiếm sống khi gia đình nhỏ của tôi mới ở giai đoạn khởi đầu.
Quên sao được ngày đầu tiên trên đất Liên Xô cách đây 40 năm, khi con tàu liên vận chở lưu học sinh chúng tôi cắt qua biên giới Trung- Xô. Tất cả chúng tôi tò mò nhìn qua kính cửa tàu, trông thấy những người Liên Xô cao to, nhiều người bụng bự đầy kính nể, đi lại trên những con đường khu vực nhà ga biên giới, cũng to lớn khác hẳn Ga Hàng Cỏ ở Hà Nội khi đó đang trong chiến tranh…
Quên sao được những ngày tháng đầu xa nhà nhớ mẹ nhớ cha, vùi đầu vào học trên đất Liên Xô; ai cũng nghĩ phải học, phải học cho tương lai của đất nước và cho tương lai của chính mình.
Quên sao được khi vốn tiếng Nga qua 6 năm học phổ thông ở nhà, sang đây chỉ bô lô ba la được gần 1 tháng là hết vốn.
Quên sao được cô giáo Tiếng Nga đầu tiên- cô Lydya Andreevna Miskevich - Лидия Андреевна Мицкевич- nhất định không cho người phiên dịch ra tiếng Việt mà để cô tự giao tiếp với 6 học sinh Việt Nam của mình ngay từ những ngày đầu…Thầy trò nói chuyện với nhau bằng điệu bộ, bằng những cái nhíu mày, lắc đầu, gật đầu, bằng nụ cười...mà rồi dần dần hiểu hết được nhau. Chính phương pháp dạy ấy của cô giáo đã cho chúng tôi một thứ tiếng Nga ăn sâu vững chắc vào tâm trí, trở thành công cụ học tập và làm việc đắc lực.
Vân vân và vân vân….
Đặc biệt không thể quên là tuyết trắng. Cái màu trắng, cái lạnh của nó tạo cho ta nhiều cảm hứng tùy vào tâm trạng của ta ( Xem:“Trắng và trắng”- thơ Nguyễn Duy, “Phút mộng mơ”- văn vần của tôi).
Liên Xô trong lòng tôi mãi là Liên Xô. Không có Liên Xô cũ (như thuật ngữ lạ kỳ mà báo chí ta thường dùng sau khi Liên Xô tan rã năm 1991).
Tiếng Nga mãi là thứ tiếng thân thuộc thứ hai của tôi và tôi luôn cố gắng để không quên nó.
Minsk và Moskva- hai thành phố của Liên Xô đã từng cưu mang tôi- mãi là những nơi tôi luôn coi như thành phố của mình.
Kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga năm nay tôi không còn tham gia đoàn diễu hành như thời sinh viên, không tham dự họp hành hiếu hỉ, không lo phải có đủ tin, bài cho sự kiện lớn này như khi còn là cán bộ đương chức. Tôi ngồi bên máy tính, tĩnh lặng nhớ về Liên Xô của mình bằng entry này, cũng không kém phần thú vị, vẫn đầy cảm xúc.
Mong một ngày nào đó, lý tưởng đẹp đẽ của nước Nga Xô viết, của Liên Xô sẽ sống dậy mạnh mẽ như thời Liên Xô, cho dù có thể trong một hình hài khác, một cách khác: đó là tạo lập hòa bình cho thế giới, hạnh phúc cho mỗi con người.
Trắng và trắng
Ối giời ơi...nõn nà chưa
Bột trinh bạch đấy, Trời vừa rây xong
Hình như gò trắng phập phồng
Bao nhiêu con gái ngủ trong tuyết dày
Ối giời ơi…nõn nà thay
Bình tâm bốc tuyết trên tay mà cười
Đã quen lem luốc bụi đời
Tìm trong tuyết có bụi trời li ti
Ối giời ơi…nõn nà ghê
Màu trong sạch đến khả nghi lạ thường
Cô đơn tiếng quạ nhễu buồn
Đàn chim di trú tha hương phương nào
Ối giời ơi…nõn nà sao
Bàn chân lóng ngóng đặt vào nơi đâu
Trắng tinh, trắng toát, trắng phau
Nhìn qua thấy đẹp, nhìn lâu rợn người
Buột mồm kêu ối giời ơi
Tiếng kêu chìm giữa tuyết rơi im lìm
Trắng chang chang - nhức mắt nhìn
Người đâu để vết chân in nhập nhòa
Nhập nhòa xương xẩu bao la
Mùa đông tuốt hết thịt da rừng dày
Mùa xuân biệt xứ lâu ngày
Để hàng cây bạc lông mày chờ mong
Lạnh lưng nhớ những cánh đồng
Gió mùa đông bắc thổi trong xương người.
Thơ Nguyễn Duy (Báo Văn nghệ, số 45, 5/11/1988)
--------------------------------
PHÚT MỘNG MƠ
Mình em với biển sao đêm
Trắng tinh mặt đất, trăng lên sáng ngời
Ánh trăng tô mát tình đời
Đêm xuân ấm cả lòng người hôm nay
Càng đi càng ngắm càng say
Say trăng, say tuyết, say đầy trời sao
Minsk, tháng 2/1973
(Một đêm đi học về khuya)
Tags: tảnmạn Edit Tags
Thursday November 1, 2007 - 09:55am (ICT) Edit Delete Permanent Link 0 Comments

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét