7 thg 11, 2007

Doanh nghiệp hay là gì?(Hồi ký- Kỳ 16)

Chương 6: NHỮNG BƯỚC TIẾN VƯỢT BẬC CỦA TỜ BÁO (Hồi ký- Kỳ 16)
Doanh nghiệp hay là gì?
Ngay từ năm đầu mới nhận phụ trách Báo, tôi đã luôn băn khoăn: trong hệ thống tài chính ở nước ta thì các cơ quan báo chí thuộc thể loại gì? Cán bộ thuế thì bảo “ Báo chị ( KH&ĐS ) là doanh nghiệp”. Nhưng tôi nghĩ không phải, mặc dù chúng tôi phải đóng các sắc thuế y như doanh nghiệp: thuế môn bài ( không nhiều, mỗi năm đóng một lần khoảng mấy trăm ngàn đồng gì đó nhưng nghe cứ ngồ ngộ vì thông thường tôi chỉ nghe nói các tiểu thương ngoài chợ phải đóng thuế này; nhưng Ban Chấp hành Hội Nhà báo VN khóa VI đã đề nghị và sắc thuế này đối với báo chí một thời gian sau đã được bãi bỏ), thuế doanh thu(10% tổng doanh thu), thuế lợi tức( thời điểm năm 1997 mức thuế này là 35% lợi nhuận; lợi nhuận là số tiền còn lại sau khi lấy tổng doanh thu trừ đi tổng các chi phí trong năm; nhưng chi phí đó phải được cơ quan thuế xác nhận là chi phí hợp lý, nghĩa là chi theo đúng quy định của pháp luật, không phải cứ cần bao nhiêu chi bấynhiêu!; sau này, sắc thuế này được thay thế bằng thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm còn 28%, rồi 25%). Tôi cho rằng báo chí, nhất là báo khoa học như chúng tôi, ở trong chế độ chính trị của nước ta thì không thể bị áp đặt là doanh nghiệp nếu bản thân Tòa soạn không muốn vì mấy lẽ:
- Báo chí là công cụ tư tưởng văn hóa của Đảng, chủ yếu làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, chịu sự lãnh đạo về mặt định hướng tuyên truyền, không thể đặt nhiệm vụ kinh doanh làm chính.
- Báo KH&ĐS có nhiệm vụ phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí. Thực hiện được nhiệm vụ này đã khó (vì khoa học vốn khô khan, rất khó hấp dẫn bạn đọc như các báo chính trị xã hội), tự hạch toán được lại càng khó hơn. Như vậy không thể bắt chúng tôi có nghĩa vụ phải có lợi nhuận để nộp thuế như các doanh nghiệp được.
Không phải là doanh nghiệp, vậy chúng tôi có phải là cơ quan hành chính sự nghiệp không? Và hơn thế nữa: cán bộ, phóng viên của Báo có phải là công chức Nhà nước không? Hình như cũng không phải vì nếu là cơ quan hành chính sự nghiệp thì đâu có phải đóng thuế như thế. Và nếu là công chức Nhà nước thì theo định nghĩa của Pháp lệnh công chức, chúng tôi phải là những người được hưởng lương từ ngân sách. Còn trên thực tế, Báo chúng tôi đã phải tự hạch toán từ năm 1984, và cũng từ lâu đã phải nộp thuế giống doanh nghiệp như tôi đã nói ở trên. Tôi đem câu hỏi về việc chúng tôi có phải công chức không hỏi một luật sư quen, nhưng anh ấy bảo bây giờ đang lộ mộ lắm, đành chịu.
Khoảng giữa năm 2000, tôi vô tình có được bài báo trên tạp chí Tài chính của tác giả Trần Thị Thu Hà về việc sẽ ra đời những đơn vị sự nghiệp có thu, trong đó có các đơn vị sự nghiệp có thu tự trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, các chế độ chính sách sẽ áp dụng cho loại hình đơn vị này. Tôi đọc kỹ và thấy mừng quá vì đây đúng là dành cho Báo mình rồi!
Vài tháng sau, ông Nguyễn Trọng Khanh, Chánh Văn phòng LHH bảo tôi rằng bà Trần Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Bộ Tài chính muốn đến Báo KH&ĐS tìm hiểu về tình hình tài chính của Báo. Tôi đồng ý ngay. Buổi làm việc hôm ấy ngoài bà Hà về phía Báo KH&ĐS có tôi, chị Vụ (kế toán trưởng) và Kim Quy (kế toán); phía LHH có ông Khanh và bà Huyên (kế toán trưởng), ông Đặng Danh Ánh (trưởng Ban phổ biến kiến thức LHH).
Hóa ra bà Hà chính là tác giả của bài báo nói trên. Bà ấy đang nghiên cứu về việc xây dựng cơ chế tài chính áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp có thu, thực tế là đã trình Chính phủ đề án đó, nay muốn một số đơn vị thực hiện thí điểm mô hình ấy. Thực sự tôi thấy đề án ấy rất tiên tiến. Áp dụng nó, chúng tôi sẽ không còn phải băn khoăn là doanh nghiệp hay không doanh nghiệp nữa. Bà Hà hướng dẫn và tôi hứa sẽ làm ngay tờ trình về việc này.
Tháng 10/ 2000, tôi làm tờ trình lãnh đạo LHH xin cho Báo KH&ĐS áp dụng cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp có thu tự trang trải chi phí hoạt động thường xuyên. Tôi cũng gặp trực tiếp cô Đỗ Thị Vân nói trước về việc này và giục làm quyết định cho Báo. Mấy ngày sau không thấy động tĩnh gì, tôi gọi điện thoại hỏi thì cô Vân bảo “chị cẩn thận kẻo như vậy là kéo Báo đi thụt lùi, ngay ở Báo cũng có người chưa nhất trí với việc đó”. Tôi cáu, nói với Vân rằng ở Báo KH&ĐS bây giờ tôi mới là người có tiếng nói quyết định, Vân cần làm việc chính thức với tôi chứ không phải với ai khác. Thì ra có tin đồn rằng bên Bộ Tài chính người ta không ủng hộ đề án ấy của bà Hà, nên một vài người cho rằng Báo KH&ĐS mà theo thì sợ rằng ta sẽ bị khó, thà cứ để mập mờ như bây giờ còn hơn! Tôi lại giải thích lại cho họ về lợi ích của đề án mới, khẳng định lại với Vân rằng tôi mới là người quyết định các việc ở Báo và tôi chịu trách nhiệm mọi việc do tôi điều hành, nhưng ý kiến của tôi cứ như va vào đá. Một tháng sau khi gửi tờ trình chẳng có quyết định nào được ký. Tôi gặp sếp Vũ Tuyên Hoàng, trình bày rõ vấn đề. Sếp Hoàng bảo: sự việc dễ hiểu đến thế mà sao lại chần chừ?!
Tháng 12/ 2000, cuối cùng thì chúng tôi cũng đã có được Quyết định của LHH do sếp Hoàng ký cho phép Báo KH&ĐS áp dụng cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp có thu tự trang trải chi phí hoạt động thường xuyên.
Tháng 1/ 2001, Thủ tướng ký Nghị định số 10/2001-NĐ- CP, nội dung đúng như bài của bà Hà đã đăng trên tạp chí Tài chính. Hai tháng sau có ngay Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định đó. Theo các văn bản này, những đơn vị báo chí đang tự hạch toán, lấy thu bù chi như chúng tôi được “cởi trói” rất nhiều: Chi tiêu được hưởng chế độ như doanh nghiệp (rộng rãi hơn so với các cơ quan hành chính hoặc đơn vị sự nghiệp khác có hưởng một phần lớn ngân sách Nhà nước chứ không tự trang trải toàn bộ chi phí hoạt động như chúng tôi); quỹ lương được tăng thêm 2,5 lần; Nếu sau khi trừ chi phí hợp lý mà còn lãi thì mới phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy là chúng tôi sẽ không bị o ép về việc chi, cũng không bị bắt buộc phải có lãi để nộp thuế lợi tức như trước nữa. Và nếu chúng tôi kiếm ra được nhiều tiền, gấp hai gấp ba lần như hiện tại thì anh chị em sẽ được tăng thu nhập đáng kể; nếu có phải nộp thuế thì sẽ là thuế thu nhập cá nhân chứ không lo Tòa soạn phải nộp thuế khi mọi người trong cơ quan còn “đói”. Đây sẽ là động lực cho mọi người.
Tôi yêu cầu chị Vụ và Kim Quy cùng tôi nghiên cứu kỹ hai văn bản mới để chuẩn bị thực hiện. Quy nói: không ngờ lại được cởi mở đến thế, và thắc mắc không hiểu tại sao tôi lại “bắt” theo bà Hà ngay như thế? Tôi trả lời: vì thấy người ta có suy nghĩ theo chiều hướng đúng và tiến bộ thì theo thôi.
Vậy là Quy và Vụ đều đã nhận ra tính ưu việt của chính sách mới đối với Báo chúng tôi, cùng tôi lo thực hiện cho Báo. Nhờ có cơ chế tài chính mới này, thu nhập của anh chị em ở Báo tăng hẳn lên so với trước. Khi mức khởi điểm nộp thuế thu nhập cá nhân là 3triệu đồng/tháng thì gần hết mọi người trong Tòa soạn đều nằm trong danh sách nộp thuế, ngoại trừ một số người đang ở chế độ thử việc hoặc mới kết thúc thử việc là không phải đóng thuế TNCN mà thôi.
Chỉ đáng tiếc là có người được quyền tham gia quyết định các việc của Báo, có cương vị cao hẳn hoi lại không thấy được như vậy. Họ vẫn tiếp tục cho rằng bằng cách chuyển Báo là đơn vị sự nghiệp có thu tự trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, tôi đã “đưa Báo đi thụt lùi”! Thật chán hết chỗ nói!
(Còn nữa)
Tags: hồiký Edit Tags
Wednesday November 7, 2007 - 08:27pm (ICT) Edit Delete Permanent Link 0 Comments

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét