20 thg 11, 2007

Tòa soạn đi nước ngoài (Hồi ký- Kỳ 21)

Chương 9: CẢ TÒA SOẠN ĐI NƯỚC NGOÀI(Hồi ký- Kỳ 20).
Trong những năm 1979- 1990 Báo KH&ĐS có mối quan hệ hợp tác với Liên Xô nên mỗi năm đón một đoàn vào và cử một người của Báo đi LX.
Những năm ấy, ngoài nhiệm vụ là phóng viên- biên tập viên phụ trách trang tin KH&KT nước ngoài, tôi còn làm công tác quan hệ quốc tế của Báo. Đối với mảng công việc này, tôi phải lo tổ chức cho đoàn ra đoàn vào. Với đoàn vào thì vừa tổ chức chương trình cho chuyến công tác của khách ở VN, vừa kiêm phiên dịch luôn. Với đoàn ra thì lo liên lạc với phía bạn để người của Báo qua bên đó được đón tiếp chu đáo, lo thủ tục giấy tờ cho người đi. Ngoài ra còn chịu trách nhiệm về việc quan hệ qua lại giữa hai bên qua thư từ, khi có khách nước ngoài thì làm đầu mối đón tiếp… Trong chừng ấy năm, tôi còn thường xuyên dịch đầu đề các bài báo đã đăng trên KH&ĐS ra tiếng Nga, đánh máy và gửi cho Tạp chí Khoa học và Đời sống (Nauka i Jizn’) của Liên Xô nữa, để cho bạn biết được Báo Khoa học và Đời sống của Việt Nam đề cập những nội dung gì.
Làm công tác ấy, tôi thấy rằng người Việt Nam ta để ra được nước ngoài sao mà khó thế. Thủ tục hồ sơ, giấy tờ vô cùng cách rách đã đành, chuyện kinh phí mới thật là nan giải. Không có phía bạn đài thọ thì khó mà đi ra nước ngoài được. Báo KH&ĐS mỗi năm chỉ có một suất trao đổi với Tạp chí Nauka i Jizn’ của Liên Xô tức là chỉ có được một người đi Liên Xô; Phía bạn cho vé máy bay và ăn ở trong thời gian cả chuyến đi, thường là 10 ngày/chuyến. Thành ra chỉ ưu tiên được các trưởng, phó ban; còn các anh chị em khác chẳng biết đến bao giờ họ mới được xuất ngoại. Làm báo mà như vậy quả là một thiệt thòi lớn. Thiệt thòi cho cả những người chỉ chuyên làm công tác hành chính ở Báo: cả đời chưa được ra nước ngoài lần nào.
Cho nên khi làm Tổng biên tập, tôi cứ tâm niệm: nếu có nhiều tiền dứt khoát tôi phải cho được anh chị em ở Báo đi nước ngoài.
Sau những năm đổi mới, việc đi du lịch ngày càng dễ dàng hơn với mọi người, cứ có tiền là đi được. Đến năm 2003, lúc này Báo đã ổn định được một thời gian dài, có được doanh thu từ quảng cáo kha khá, lại đã được áp dụng cơ chế của cơ quan sự nghiệp có thu như đã nói nên tôi càng quyết tâm hơn về việc đó. Sau khi bàn bạc với anh chị em và cân đối lại các khoản thu- chi, chúng tôi đồng tâm tổ chức cho mọi người đi Thái Lan vì lúc này các tour du lịch đang khuyến mãi, giá trọn gói chỉ hơn 250USD/người. Lãnh đạo Báo cùng với BCH Công đoàn cũng đề ra chế độ hẳn hoi: tùy theo thâm niên làm việc ở Báo, một số người được cơ quan “bao” toàn bộ, một số thì phải tự chi 1/2- 1/3 . Mọi người rất phấn khởi. Chị Vụ và chị Thành được phân công là đầu mối chính lo liên hệ tìm tour du lịch để “gửi” đoàn của Báo, lo tiền nong, lo hộ chiếu…Tú Anh và các anh chị em khác đều tìm cách liên hệ với các công ty du lịch để tìm giá rẻ nhất và chất lượng phục vụ cao nhất…LHH cũng rất ủng hộ chuyến đi này: Ban Tổ chức- Cán bộ nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết khi Báo đề nghị, bởi đoàn của Báo muốn đi nước ngoài phải có quyết định của cơ quan chủ quản. Thậm chí đích thân Chủ tịch Vũ Tuyên Hoàng còn ký cho các bản đơn xin hộ chiếu của anh chị em, mặc dù nếu người có chức vụ thấp hơn ở LHH ký cho thì vẫn hợp lệ…
Cũng có một số trục trặc xảy ra: nào là vài người khai sai đơn xin cấp hộ chiếu, phải khai đi khai lại, thậm chí một vài người còn suýt không được đi vì thủ tục làm sai; nào là có vài người phải nộp thêm tiền đền bù hay phí dịch vụ cao gì đó để lấy được hộ chiếu kịp ngày đoàn đi (Tôi không nhớ rõ việc này lắm nên không kể chi tiết được. Bạn nào nhớ thì bổ sung nhé, có thể có ích cho những ai chuẩn bị đi nước ngoài đấy)…
Chuyến đi ấy phải tới hơn 2/3 số anh chị em trong Tòa soạn ở Hà Nội đi Thái Lan : Từ các trưởng, phó ban, các phóng viên cho tới nhân viên văn thư, lái xe…Tôi không đi vì ở nhà nhiều việc quá. Không khí thật sôi động, hứng khởi. Những người có con nhỏ thì thu xếp gửi gắm ông bà nội ngoại để đi; những người thường say xe ô tô mỗi khi đi công tác bây giờ cũng hăng hái làm nhanh phần việc của mình để lên đường cùng với những phương thuốc chống say hiệu nghiệm; quả thật không thể bỏ lỡ một dịp như thế.
Chuyến đi đã tạo cho mọi người trong Tòa soạn một tư thế khác hẳn: tư thế của người đã từng vượt ra được khỏi biên giới, dù chỉ một lần. Bây giờ ta đã có thể ngẩng cao đầu với bạn bè, người thân, xóm giềng rồi…Tôi cùng vui lây với cái vui của họ và tự hào vì với tư cách là người đứng đầu cơ quan đã tạo được cho anh chị em cơ hội như thế.
Năm 2005, chuẩn bị nghỉ hưu, tôi lại quyết cho mọi người đi Singapore, sử dụng kinh phí trong quỹ khen thưởng- phúc lợi còn và mọi người đóng góp thêm theo như phương án lần trước. Tôi nghĩ: biết Tổng biên tập mới bao giờ mới thu xếp được cho mọi người đi nước ngoài đây; vả lại quỹ tuy không nhiều nhưng là công sức của mọi người cùng tôi phấn đấu, từng đồng cam cộng khổ cùng tôi trong gần chín năm qua, bây giờ cho anh chị em hưởng thụ một chút, thấm gì so với các cơ quan nhà nước và các công ty giàu có khác! Nếu tôi nghỉ rồi mà anh chị em tiêu tán mỗi người một nẻo thì tôi có thanh thản được không? Cho nên tôi vẫn quyết chí. Và thế là anh chị em ở HN của Báo KH&ĐS, từ người có chức vụ quản lý đến người không có chức vụ gì, lại được xuất ngoại một chuyến nữa theo đường của Báo.
Đó là hai chuyến đi nước ngoài mà từ trước tới nay ở Báo Khoa học Thường thức, rồi Báo Khoa học và đời sống, chưa hề có tiền lệ. Còn sau này có hay không- chắc sẽ còn lâu lắm.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi nghỉ hưu, tôi đã thấy ngay được rằng quyết định đó của mình thật đúng đắn; nếu không kiên quyết như thế chắc rồi tôi sẽ phải ân hận.
(Kỳ sau: Chập chờn- nghỉ hay chưa nghỉ? )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét