27 thg 11, 2007

Với người kế nhiệm (Hồi ký- Kỳ 25)

Bàn giao (Hồi ký- kỳ 25)
Liên hiệp hội không nói gì với tôi về việc đã chọn tổng biên tập mới. Tôi cũng chẳng hỏi làm gì; thông tin thì mình cũng đã nắm rồi.
Tôi chuẩn bị một biên bản bàn giao trách nhiệm tổng biên tập thật “hoành tráng”, tới gần 8 trang để bàn giao mọi việc cho TBT mới.
Hết tháng 8, tôi đã từ Thụy Điển trở về mà nhân vật mới vẫn không xuất hiện, mặc dù tôi biết DP đã tiếp xúc với một số phóng viên của tôi.
Chiều Thứ Sáu, 9/9, LHH mới tổ chức buổi giới thiệu người kế nhiệm với tôi do sếp Tăng chủ trì. Xong phần thủ tục, tôi rủ Duy Phương về Tòa soạn trao đổi công việc luôn. Thì ra DP học đại học cùng trường BGU với tôi ở Minsk, sau tôi 15 năm. Cao lớn, ăn nói rất khéo léo, cư xử nhũn nhặn, lại thêm “điểm” đồng trường làm tôi có thiện cảm.
Tôi quyết định sẽ cố gắng bàn giao thật kỹ để Duy Phương nắm được công việc ở Báo một cách đầy đủ và rõ ràng nhất. Tôi biết: cho dù ở bên Lao Động DP đã chỉ huy Ban Thư ký Tòa soạn là một ban lớn, lại làm báo ngày thì việc lo nội dung và hình thức tờ Báo sẽ không mấy khó khăn; nhưng bây giờ phải đứng đầu một đơn vị độc lập, vừa phải lo mọi đường đi nước bước của tờ báo, vừa phải lo cơm áo gạo tiền cho gần bốn chục con người hoàn toàn không đơn giản.
Suốt từ ngày 12/9 đến tận ngày 30/9, chúng tôi trao đổi với nhau rất nhiều, cùng nhau họp với các ban, giải quyết những vấn đề bức xúc nhất vì lúc này đã gần sang quý IV, là thời gian bận rộn của Tòa soạn. Chúng tôi cũng cùng nhau đi TP HCM để bàn giao Cơ quan Thường trú… Trong khi đó, tôi vẫn điều hành công việc hằng ngày như bình thường, không một chút lơ là. Đôi khi tôi cũng tự ngạc nhiên với chính mình: tại sao tôi lại giữ được như thế, cứ như thể không phải là tôi sắp từ giã mãi mãi cái công việc mà lâu nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của tôi! Nhưng cũng dễ hiểu, bởi là do tự con người tôi nó vậy, làm gì cũng phải trách nhiệm cho đến tận cùng, có thế tôi mới cảm thấy yên lòng được.
Buổi bàn giao chính thức về công việc diễn ra chiều ngày 28/9 với sự có mặt của ba vị đại diện LHH và toàn bộ đội hình quản lý của KH&ĐS. Bàn giao hiếu hỉ thì vào chiều 30/9, toàn thể anh chị em trong Tòa soạn cùng dự. Tại buổi đó, sếp Tăng chính thức thông báo là Đoàn chủ tịch LHH đã quyết định tặng tôi Bằng khen của LHH, Huy chương Vì sự nghiệp LHH và đề nghị với Nhà nước tặng thưởng tôi Huân chương Lao động hạng Ba. Dù sao thì thông tin ấy cũng có tác dụng động viên tâm lý với cả người cũ lẫn người mới, rằng đến lúc này thấy được LHH đã ghi nhận các đóng góp của tôi cho Báo KH&ĐS, cũng chính là cho LHH. Còn Huân chương thì cho tới khi ngồi viết những dòng này, tôi chẳng thấy bóng dáng ở đâu. Tôi không hề oán trách gì LHH về vụ này cả. Hơn ai hết, tôi hiểu quá rõ là xin tặng Huân chương không đơn giản chút nào.
Có một việc bất ngờ xảy ra. Ngày 29/9, sau buổi họp BTC cuộc thi Nước dành cho học sinh mà tôi làm Trưởng ban từ năm 2003 đến nay, kết hợp bàn giao chức vụ Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho TBT mới, mọi người trong Ban tổ chức đều đề nghị tôi nên tiếp tục tham gia thì DP chính thức đặt vấn đề nhờ tôi lo giúp cho mảng thi nước lần thứ ba này. Từ chối không được, tôi đành nhận lời với điều kiện không nhận khâu điều hành. Thế là cho dù sẽ chia tay chính thức vào vài ba ngày tới, tôi cũng vẫn còn một ít trách nhiệm với Báo tới tháng 6 năm sau nữa.
Chia tay
Rồi ngày chia tay cũng đến. Thực ra đã có một buổi chia tay trước đó với Ban Thường trú ở TP HCM. Anh chị em trong đó cũng thực sự yêu quý tôi. Mấy bạn gái dắt tôi đi thử áo ở mấy hàng thời trang, chọn cái áo thật ưng ý, bắt nhà hàng sửa sang cho vừa người tôi mới chịu. Một bữa cơm chia tay có cả chị Việt Nga, anh Ngọc Xuân và Thúy Liên là những người đã nghỉ hưu rồi nhưng khá thân thiết với tôi. Tôi chỉ ở trong đó được hai ngày thôi nhưng cách họ đối xử với tôi làm tôi cảm động và vui, không nghĩ ngợi gì tới việc sẽ không còn được làm việc cùng họ nữa.
Còn ở Hà Nội, chúng tôi đã ấn định sẽ liên hoan vào chiều Thứ Sáu, 30/9, cũng là ngày Báo KH&ĐS tròn 46 tuổi, còn tôi tròn 32 năm làm ở Báo KH&ĐS kể từ sau khi tốt nghiệp đại học.
Anh chị em ở Báo chuẩn bị cho buổi chia tay người cũ và đón người mới này rất công phu. Mọi người nói nhiều lời có cánh, tặng tôi nhiều hoa, quà lưu niệm … Họ muốn làm tôi vui lòng. Tôi cũng sẵn lòng đón nhận tình cảm chân thành ấy của họ vì tôi cũng rất yêu quý họ, từng chăm lo cho họ hết mình và nhận được sự ủng hộ của họ, cho dù chừng ấy năm làm việc hằng ngày bên nhau đương nhiên cũng có lúc thế này thế khác. Con người Việt Nam ta hay ở chỗ khi chia tay là mọi người sẵn sàng bỏ qua cho nhau mọi điều từng không như ý.
Tôi thực sự thoải mái vì trong nhiệm kỳ của mình đã ghi lại được khá nhiều dấu ấn cho tờ Báo, cho Tòa soạn. Thời gian 6 năm cuối nhiệm kỳ của tôi, tình hình của chúng tôi có thể khái quát trong mấy chữ: ỔN ĐỊNH, PHÁT TRIỂN. Phát triển vì tờ Báo có nhiều bước tiến vượt bậc như đã nói ở Chương 7 của Hồi ký này. Ổn định vì suốt thời gian đó nội bộ Tòa soạn không hề có bè phái, không kiện cáo, chỉ tập trung cùng nhau lo làm việc. Tuy chưa có thu nhập cao như nhiều đơn vị khác, thậm chí có lúc bị lâm vào thế khó khăn, nhưng thu nhập của anh chị em trong những năm cuối đã cao hơn hẳn so với năm 1997; và mỗi khi Tết đến, “nồi bánh chưng và mâm cỗ” của mọi người đều khá đầy đặn; đa phần anh chị em đều yên tâm và coi Báo là ngôi nhà thứ hai của mình. Đơn giản thế thôi nhưng tất cả chúng tôi đã phải cố gắng thật nhiều, phải phấn đấu thật nhiều.
Rồi mọi người ở cái tập thể nhỏ bé này sẽ phải tiếp tục đương đầu với nhiều thách thức mới mà tất cả (kể cả tôi- người từ nay trở thành quá khứ của họ) đều hi vọng rằng tương lai của Báo KH&ĐS sẽ tốt hơn, đẹp hơn.
Và đối với tôi, những trang mới của cuộc đời cũng sẽ bắt đầu: điều gì đang ở phía trước, sẽ buồn nhiều hơn hay vui nhiều hơn? Chỉ biết rằng, cho dù con đường không phải lúc nào cũng đầy thuận lợi và may mắn, nhưng tôi thực sự đã Lớn lên cùng năm tháng.
(Kỳ sau: Những câu hỏi cho Hồi ký)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét