23 thg 11, 2007

Tôi đã làm gì? (Hồi ký- Kỳ 23)

Về nhà, trong hai ngày nghỉ cuối tuần, tôi tranh thủ viết một bức thư gửi Đảng đoàn LHH. Nguyên văn như sau:
Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2005
Kính gửi: Đảng đoàn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam
Tôi là Trần Thị Thu Hiên, tổng biên tập Báo Khoa học và Đời sống, xin trình bày với Đảng đoàn LHH về việc nghỉ hưu của tôi như sau:
Như các đồng chí đã biết, tháng 10 năm nay tôi đến tuổi nghỉ hưu. Nguyện vọng cá nhân của tôi từ trước tới nay vẫn là được nghỉ hưu đúng thời hạn. Và thực tế tôi đã chuẩn bị sẵn sàng bàn giao công việc cho tổng biên tập mới từ tháng 9 tới.
Trong buổi làm việc với Báo KH&ĐS ngày 27/5/2005 vừa qua, Phó Chủ tịch LHH- GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng cho biết tôi vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ tổng biên tập cho tới khi LHH tìm được người thay thế.
Trước hết, tôi xin chân thành cám ơn sự tin cậy của Lãnh đạo LHH đối với tôi. Tuy nhiên, để giải quyết việc chuyển giao nhiệm vụ lãnh đạo Báo KH&ĐS được ổn thỏa, tôi xin có một số kiến nghị tới Đảng đoàn như sau:
1- Đề nghị Lãnh đạo LHH cho ý kiến bằng văn bản về việc tiếp tục giữ tôi làm tổng biên tập Báo KH&ĐS, trong đó nêu rõ sẽ giữ tôi ở lại vị trí TBT trong thời gian bao lâu.
Vấn đề này rất quan trọng đối với Báo KH&ĐS và cá nhân tôi vì các lí do:
- Tập thể Tòa soạn Báo phải được thông báo chính thức và rõ ràng về thời gian tôi còn làm TBT thì mới đảm bảo ổn định tư tưởng, ổn định nội bộ Báo.
- Khi nắm được thời gian cụ thể, tôi sẽ có thể yên tâm sắp xếp kế hoạch triển khai các công việc của Báo KH&ĐS một cách phù hợp với quỹ thời gian mà mình có.
2- Thời gian LHH giữ tôi lại ở vị trí tổng biên tập không nên dài quá vì khả năng và sức khỏe của tôi cũng chỉ có hạn. Tôi mong các đồng chí tìm được người mới thay thế tôi càng sớm càng tốt.
3- Trước thời điểm nghỉ hưu của tôi, đề nghị LHH có văn bản thông báo trước 06 tháng, trong đó cho phép tôi được nghỉ chế độ 03 tháng theo thông lệ hiện hành của nhiều cơ quan.
4- Trường hợp có lí do chính đáng, tôi phải làm đơn xin nghỉ trước thời hạn LHH yêu cầu thì vẫn được giải quyết mà không cần phải có thời gian nghỉ chế độ.
5- Trong thời gian tới, tôi đề nghị Đảng đoàn hết sức quan tâm đến việc kiện toàn đội ngũ lãnh đạo Báo vì ngoài vấn đề tổng biên tập như đã nêu trên, sau khi bà Chu Thị Việt Nga nghỉ hưu từ tháng 12/2004 Báo KH&ĐS không có một phó tổng biên tập nào.
6- Đề nghị LHH hỗ trợ kinh phí cho Báo Khoa học và Đời sống trong việc tăng cường phát hành các ấn phẩm KH&ĐS qua các kênh khác nhau của LHH; giúp Báo tìm kiếm các dự án hỗ trợ công tác báo…
Vừa qua, từ giữa năm 2004 và đầu năm 2005, Báo KH&ĐS đã hai lần gửi văn bản đề nghị LHH hỗ trợ kinh phí để cấp báo cho một số trường phổ thông dân tộc nội trú ở các tỉnh Tây Nguyên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
Những kiến nghị trên, tôi mong được Đảng đoàn chấp thuận và nhận được trả lời trong tháng 6/ 2005 để tạo điều kiện giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Xin trân trọng cám ơn.
Tôi xin giải thích thêm một chút ở nội dung đề nghị được nghỉ chế độ 3 tháng: Thuật ngữ “nghỉ chế độ” rất quen thuộc trong toàn xã hội. Hầu như mọi nơi đều áp dụng; nơi thì cho người sắp nghỉ hưu nghỉ 3 tháng trước khi đến tháng sinh nhật đủ tuổi; nơi thì cho nghỉ 3 tháng kể từ sau tháng sinh nhật. Trong 3 tháng đó, người lao động không phải làm việc nhưng được hưởng nguyên lương, coi như một sự đãi ngộ trước khi người đó nghỉ hưu.
Không hiểu bắt đầu từ bao giờ, nhưng từ trước khi tôi làm TBT thì ở Báo KH&ĐS đã không có ai nghỉ chế độ trước khi nghỉ hưu cả. Những người nghỉ ngay trước tôi cũng vậy; Cơ quan Báo thì quản lý việc này theo nếp cũ; mọi người thấy người trước như thế thì người sau cũng không ai yêu cầu, (tuy có thể có người nghĩ yêu cầu cũng không được giải quyết chăng?). Thì tôi cứ thử xem sao; nếu LHH giải quyết cho mình thì sẽ tạo một tiền lệ mới cho người khác ở Báo sẽ nghỉ hưu sau tôi, cũng là một việc hay. (Và tôi cũng muốn nói thêm rằng nếu từ nay trở đi mà ai đó ở Báo được nghỉ chế độ như thế thì tôi mừng cho người đó).
Tôi viết sẵn thư, tính rằng sau khi gặp ông Tăng rồi mới gửi đi. Nhưng chờ vài ba hôm vẫn không thấy ông hẹn gặp (sau này tôi được biết, hóa ra ông phải đi công tác). Giữa tuần sau đó, tôi nhận được thông tin là ngày thú Tư tuần ấy sẽ họp Đoàn chủ tịch. Thế là tôi quyết định sẽ gửi ngay thư để các vị lãnh đạo nắm được vấn đề của Báo trước khi họp.
Bức thư này tôi gửi Đảng đoàn và tất cả các thành viên Đảng đoàn, cũng là các vị lãnh đạo chủ chốt của LHH gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch.
Riêng thư cho ông Tăng tôi gửi kèm vài dòng viết tay để ông khỏi hiểu lầm là tôi “đánh úp” ông.
Một mặt, tôi có những việc làm như thế để việc nghỉ hưu của mình được rõ ràng, mặt khác, sau buổi họp hôm đó, anh chị em ở Báo đều nghĩ như thế là tôi chưa nghỉ ngay nên tôi cũng phải nói với mọi người là LHH yêu cầu như thế thì tôi còn tiếp tục làm việc với họ để họ yên tâm.
Vài ngày sau, ông Tăng gọi ĐT hẹn gặp tôi. Lần này ông nói mấy vấn đề:
(Kỳ sau: Thêm một cuộc nói chuyện thẳng thắn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét