22 thg 11, 2007

Chập chờn nghỉ và chưa nghỉ (Hồi ký- Kỳ 22)

Chập chờn nghỉ và chưa nghỉ
Trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ rằng việc nghỉ hưu của tôi sẽ không suôn sẻ như mọi người khác trong Tòa soạn. Thực tế tìm được tổng biên tập mới không dễ, nhất là khi trách nhiệm này lại thuộc Ban tổ chức- cán bộ LHH và lãnh đạo LHH chứ không phải do tôi chủ động được. Mà tôi cũng không nhận được thông tin gì về việc LHH chuẩn bị nhân sự mới cho chức vụ TBT Báo KH&ĐS ra sao, mặc dù trong một số văn bản của Báo gửi LHH, tôi đã nhắc họ về việc tôi sẽ nghỉ hưu năm 2005.
Nếu như đội ngũ của Báo “già” hơn một chút, nếu như Pháp lện Công chức sửa đổi và Nghị định 116 đổi mới cơ chế quản lý ra đời sớm hơn vài năm…, thì người kế cận chắc chắn sẽ có được từ ngay trong Tòa soạn chúng tôi rồi. Nhưng mọi ước muốn đó chỉ là giả định, còn thực tế tôi có muốn tìm người thay tôi chắc chắn cũng chẳng được, thậm chí còn làm khổ cho ứng viên nào được chọn là khác, vì quyền quyết định là ở LHH; nên tôi không tìm ai thay thế mình khi trong nội bộ chưa có người có thể làm ứng viên cho chức vụ TBT.
Hai năm trước tôi thường hay nói về việc mình sẽ nghỉ vào tháng 10/2005 để mọi người trong Tòa soạn chuẩn bị tinh thần sẽ làm việc với tình trạng không có tôi. Nhưng đến năm 2005, tôi lại phải lặng thinh về điều đó. Lý do: tránh gây xao động trong Tòa soạn, tránh ảnh hưởng không tốt tới công việc hằng ngày. Tự tôi, tôi nghĩ nhiều hơn tới việc sẽ nghỉ hưu vào tháng 10 và lẳng lặng chuẩn bị mọi việc cho sự kiện đó: hướng dẫn và giao bớt dần cho đội ngũ trưởng các ban những việc trước đây họ chưa làm; lo giữ các đề án xin được tiền để sau khi tôi nghỉ thì người mới thay tôi vẫn còn “lương thực dự trữ”, như: việc xuất bản Chuyên đề DTTS&MN được Nhà nước tài trợ- đến năm 2006 sẽ hết nhưng nếu làm tốt sẽ có khả năng tiếp tục theo chương trình mới với số tiền lớn hơn nhiều, Cuộc thi NƯỚC được Tổ chức SIDA của Thụy Điển tài trợ còn tiếp tục lần thứ ba (2005-2006); tiếp tục xin tài trợ khác, lo tìm đối tác làm quảng cáo- phát hành…, giữ sao cho tờ báo không bị tụt dốc do việc tôi sẽ nghỉ…Tôi luôn tâm niệm và cố gắng để mọi việc vẫn diễn ra bình thường cho tới ngày mình về hưu.
Sau Đại hội LHH cuối năm 2004, GS-TSKH Nguyễn Hữu Tăng là Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra LHH được phân công phụ trách khối báo chí của LHH. Nhân xảy ra việc Kim Ngân và cũng muốn nắm tình hình Báo KH&ĐS, ông yêu cầu tôi làm báo cáo 2 năm 2003- 2004. Trong báo cáo đó, tôi tranh thủ nêu luôn về việc nghỉ hưu của tôi trong phần khuyến nghị như sau:
“Tháng 10/2005, Tổng biên tập Báo KH&ĐS đến tuổi nghỉ hưu. Đề nghị lãnh đạo LHH tìm người kịp thời thay thế sao cho không để trống vị trí Tổng biên tập như những thời kỳ trước vì thực tế cho thấy sự trống đó luôn luôn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển liên tục của tờ báo”.
Rồi trong văn bản đề nghị lên lương của anh chị em ở Báo năm 2004, cũng như tại cuộc họp vào khoảng cuốí năm 2004 xét lên lương cho các đơn vị trong LHH có cả sếp Hồ Uy Liêm dự, tôi cũng đã nêu việc tôi sẽ nghỉ hưu vào tháng 10/2005.
Ngày 27/5/2005, theo lời triệu tập của sếp Tăng, tôi cùng toàn bộ các Trưởng, Phó các Ban của Báo KH&ĐS đến LHH.
Ngoài các thành phần được thông báo trước gồm ông Tăng, cô Vân, ông Đỉnh (là Trưởng Ban phổ biến kiến thức của LHH), thấy còn có cả một người chừng 50 tuổi nữa cùng dự. Ông Tăng cho biết đó là anh Phạm Bích San, người vừa được LHH bổ nhiệm làm Giám đốc Văn phòng tư vấn của LHH và là một thành viên của nhóm phụ trách về báo chí của LHH. Nhóm này mới thành lập, tôi chưa được biết. Còn anh chị em của Báo thì nghi hoặc, cho rằng chắc đây là ứng viên tổng biên tập mới! Sau đó ít lâu, anh Phạm Bích San là Phó Tổng thư ký LHH.
Theo sự sắp đặt của phía LHH thì trước tiên tôi sẽ báo cáo về tình hình của Báo trong những năm qua, sau đó sẽ họp hẹp gồm đội LHH với tôi và chị Vụ (với tư cách là Chi ủy của Báo) về vụ Vũ Thị Kim Ngân, và chắc là cả vấn đề nghỉ hưu của tôi nữa. Nhưng tôi quyết định đưa vụ V.T.K.Ngân lên báo cáo đầu tiên cho mọi người cùng nghe với lí do “việc này đang là thời sự và có lẽ nó cũng chỉ ngắn gọn thôi”. Với cách như thế, tất cả mọi người có mặt hôm đó đều được nghe và bàn bạc tất cả mọi chuyện LHH yêu cầu tôi trình bày cũng như ý định của họ về việc nghỉ hưu của tôi, không phải chỉ có tôi và chị Vụ họp riêng với họ nữa. Tôi báo cáo mọi việc như nó có và như anh chị em ở Báo đều đã biết.
Cô Vân yêu cầu cho biết thêm về “hiệu quả làm việc của Kim Ngân thế nào, quy trình bổ nhiệm Trưởng phòng PH- QC ra sao…”; còn ông Tăng hỏi sau vụ này ở Báo có rút ra bài học gì không.
Tôi trả lời ông Tăng trước, rằng đương nhiên là chúng tôi phải rút kinh nghiệm; các bài học là:
- Nhận người phải kỹ lưỡng hơn
- Phải quan tâm đến cả hoạt động bên ngoài cơ quan của cán bộ, phóng viên; tuy nhiên việc này rất khó!
- Lúc bình thường mà quản lý nghiêm chỉnh thì khi có sự việc không hay xảy ra sẽ dễ xử lý hơn.
Sau đó đến lượt trả lời cô Vân. Tôi tận dụng ngay câu hỏi về quy trình đề bạt để nêu lại toàn bộ quá trình tôi đã phải “chiến đấu” vì bộ khung của Tòa soạn Báo ra sao, Báo đã gặp khó khăn do cơ chế quản lý chậm đổi mới thế nào… Rồi tôi kể rõ tôi đã làm những gì để đề bạt cán bộ ở Báo theo cách của tôi cho họ nghe. Nghe xong không thấy bị phê phán chỗ nào! Nhưng họp khá căng thẳng, thậm chí có lúc gay gắt, vì tất cả mọi vấn đề đều được nói thẳng ra, không rào đón úp mở gì, đến nỗi có lúc sếp Tăng phải làm “quan tòa” để dẹp bớt sự thái quá trong một số lời lẽ của người này người nọ.
Trong quá trình họp, ông Tăng vài ba lần nhấn mạnh rằng tôi sẽ nghỉ hưu, chỉ chờ Đoàn chủ tịch quyết định người mới thay thế, cứ như cách là đã có sẵn người rồi, chỉ làm thủ tục nữa là xong. Chúng tôi ai cũng lặng thinh, không phản ứng gì với ý kiến ấy. Nhưng đến cuối buổi, sau khi kết luận các vấn đề, trong đó có việc đề nghị Chi ủy Báo đề cử ứng viên Phó tổng biên tập, ông Tăng tuyên bố “chị Hiên vẫn cứ tiếp tục làm TBT cho đến khi có người mới thay thế”!
Lúc này đã gần 11h30, đã muộn rồi vì cuộc họp kéo dài đã 3 tiếng rồi nên không tiện kéo dài thêm. Tôi nói:
- Từ trước tới nay tôi vẫn mong muốn nghỉ hưu đúng hạn. Nay anh Tăng nói vậy thì tôi đề nghị anh bố trí thời gian cho tôi gặp để nói rõ hơn về vấn đề này.
Như thế là bản thân lãnh đạo cơ quan chủ quản chưa hề rõ ràng gì trong việc xác định thời hạn tôi sẽ nghỉ hưu; tức là sự chuẩn bị cán bộ thay thế tôi chưa được hoàn tất, cho dù tôi đã “đánh động” khá lâu rồi. Cả gần một năm trời mà không tìm người thay thế thì là lỗi của họ rồi. Và phải chăng họ cho rằng để tôi tiếp tục làm việc theo kiểu “cho đến khi có người mới thay thế” là một ưu tiên hay ưu ái gì cho tôi chăng? Thời điểm hiện tại, tôi đã có quyền được nghỉ theo quy định của Nhà nước; tôi đã có kinh nghiệm cay đắng của 3 năm đầu phụ trách Báo chỉ vì chấp hành sự phân công một cách ngoan ngoãn; tôi cũng không tham gì việc tiếp tục làm TBT; nếu họ thực sự chưa có người thay thì tôi sẵn lòng làm việc thêm một thời gian ngắn nữa chỉ là vì tôi không muốn anh chị em ở Báo phải khổ mà thôi; mà nếu như vậy, nghỉ muộn thì kế hoạch “hậu KH&ĐS” của tôi chắc chắn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tôi mà nhận lời vô điều kiện thì với họ sẽ là xong một việc; còn với tôi sẽ là “đi cũng dở mà ở không xong”, với Tòa soạn thì sẽ luôn trong trạng thái chờ sự thay đổi lãnh đạo. Bức tranh ấy chẳng tốt đẹp gì cho chúng tôi cả. Vậy thì lần này tôi dứt khoát phải nêu ý kiến của mình.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét